Hai tình huống khá tương tự nhau xuất hiện ở phút 29 trận Manchester United 2-0 Tottenham và phút 20 trận Arsenal 3-1 Tottenham. Rõ ràng, Mikel Arteta và Erik Ten Hag đã có chung một ý tưởng giải mã hệ thống phòng thủ khu vực trứ danh của Antonio Conte.
Tin liên quan
Sau khi ép thành công Tottenham lùi đội hình về 1/3 sân nhà, Arsenal và United sẽ ngay lập tức thực hiện box overload (làm quá tải) bằng cách nhồi 4 cầu thủ tấn công xâm nhập vòng cấm.
Cách mà Spurs đề kháng lại box overload đó là thu hẹp cự ly giữa hai tầng phòng ngự, khoảng cách giữa các hậu vệ và tiền vệ của họ cách nhau không quá 10m vì vậy chỉ cần một hai bước chân là giữa tầng nọ với tầng kia đã có thể tiếp ứng, hỗ trợ được cho nhau rất hiệu quả.
Với cách triển khai này, giống như ép một quả cam trong lòng bàn tay, Tottenham thực sự có thể bóp nghẹt được không gian chơi bóng của đối phương, tạo ra một vùng bất khả xâm phạm giữa hai tầng phòng ngự và hóa giải dễ dàng box overload. Tuy vậy, box overload chỉ là “hư chiêu” của Arteta và Ten Hag mà thôi, còn “thực chiêu” đến từ hướng khác.
>>> Truy cập link đọc thêm: Tin tức bóng đá 24/7 mới <<<
Trong bóng đá có một định luật bất biến: Khoảng trống này khép lại thì sẽ có một khoảng trống khác mở ra.
Việc nhồi 4 cầu thủ tấn công vào vòng cấm thuần túy chỉ là để “ghim” khối phòng ngự của Spurs co cụm lại và lùi cực thấp về sân nhà – thấp đến nỗi mà khoảng trống ở zone 14 ngay trung lộ, trực diện khung thành sẽ mở ra rất rộng. Đây là cơ hội rất tốt cho những cầu thủ chơi ở đáy hàng tiền vệ như Casemiro hay Thomas Partey băng lên tấn công.
Đối với Antonio Conte thì đó vốn là điều…chấp nhận được – bởi suy cho cùng thì việc lộ khoảng trống ở zone 14 vẫn đỡ hơn là để đối phương thoải mái cầm bóng trong vòng cấm hoặc len lỏi vào half space và uy hiếp khung thành. Với một chiếc “xe bus” chắn ngay ở phía trước “cửa nhà” như vậy, kể cả đối thủ có cầm bóng thoải mái ở zone 14 thì cũng không tiến thêm được, chỉ có thể tung ra được những cú sút xa từ 25m trở lên mà thôi.
Nhưng đó chỉ là tư duy của Conte, còn với Arteta và Ten Hag thì khác, trong quan điểm của những HLV trẻ này các cú sút xa vẫn có thể hy vọng được.
Bàn mở tỷ số của Thomas Partey, cú sút may mắn của Fred hay kể cả pha ra chân của Bruno Fernandes đều là những tình huống tình huống dứt điểm từ xa và đều là những dấu ấn quan trọng nhấn chìm Tottenham. Điều mà Conte “chấp nhận được” hóa ra lại khó chấp nhận hơn ông tưởng, một cú sút xa có thể rất khó để thành bàn, nhưng nhiều thì lại khác.
Tính đến trước khi Fred ghi bàn ở phút 46 thì Manchester United đã tung ra tới 21 cú dứt điểm và 15 trong số đó là sút xa ngoài vòng cấm – tức là trung bình chưa đến 3 phút lại có 1 cú sút xa được tung ra, một con số cao đến không thể tin nổi. Phải tới cú sút xa thứ 16 thì thầy trò Ten Hag mới thành công trong việc bắt Hugo Lloris phải vào lưới nhặt bóng.
Pha dứt điểm của Fred chỉ có xG là 0.04 – tức là tỷ lệ vẻn vẹn 4% thành bàn, tuy vậy tổng số xG của 16 cú sút xa hợp lại thì lại là 0.40 (tỷ lệ 40% thành bàn) – không phải quá cao nhưng cũng không quá ít, vừa đủ để có thể kỳ vọng vào việc có thể tạo ra bàn thắng, nhất là trong một trận cầu đinh với Tottenham của Conte.
Một thống kê tương tự cũng đã xảy ra ở trận Arsenal 3-1 Tottenham, trước khi Partey đệm lòng tung lưới Hugo Lloris ở phút thứ 20 thì Arsenal cũng đã có tới 6 pha dứt điểm và 4 trong số đó là những quả sút xa (trung bình cứ 5 phút lại tung ra 1 cú sút xa). Tổng những pha dứt điểm ngoài vòng cấm của Arsenal trong trận đấu này cũng là 13 với chỉ số xG gộp lại là 0.47 – khá tương đồng với thông số của Manchester United.
>>> Click tại đây để vào: Bóng đá trực tuyến chất lượng cao <<<
Tuy vậy, khác biệt nằm ở chỗ đội bóng của Mikel Arteta không có thói quen dứt điểm ngay từ xa khi cơ hội chưa rõ ràng như của Erik Ten Hag.
Nếu như 42% số các pha dứt điểm của Manchester United từ đầu mùa giải tới giờ đến từ ngoài vòng cấm (nhiều thứ 3 ở EPL) thì với Arsenal nó chỉ là 32% (chỉ đứng thứ 11 ở EPL). Trung bình các Pháo Thủ cũng chỉ tung ra 5 cú sút xa/trận – ít gấp đôi con số 13 trong trận gặp Tottenham. Nói như vậy để thấy, để “đặc trị” Tottenham thì Mikel Arteta đã soạn một bài riêng mà bản thân các cầu thủ sẽ thi đấu khác với phong cách thường ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tottenham vẫn có một hàng thủ đủ kiên cố để khiến hầu hết các đội bóng ở Premier League e sợ, họ nằm khá vững vàng trong top 5 đội để thủng lưới ít nhất giải. Tuy vậy, nếu quan sát kĩ hơn sẽ thấy xuất hiện một xu hướng rất đáng chú ý: Có tới 5/12 bàn thua (tức là hơn 41%) tới từ những cú sút xa.
Có thể liệt kê rõ ràng như sau:
1, James Ward-Prowse, phút thứ 11 trận Tottenham 4-1 Southampton
2, Aleksandar Mitrovic, phút 82 trận Tottenham 2-1 Fulham
3, Thomas Partey, phút 20 trận Arsenal 3-1 Tottenham
4, Fred, phút 46 trận Manchester United 2-0 Tottenham
5, Bruno Fernandes, phút 68 trận Manchester United 2-0 Tottenham
Đây có thể là một lưu ý rất lớn cho các đội bóng sắp tới đụng độ với Tottenham Hotspurs.
Bình Luận